"Lúc đầu tôi bị chê là hâm,ợchồngtrẻlênrừnglivestreambánnôngsảnthuhàngtrămtriệuthábàn bệt dở"
Vợ chồng anh Lường Quang Đại (33 tuổi) và chị Lý Thị Xuân (28 tuổi) là người dân tộc thiểu số (chồng dân tộc Tày, vợ dân tộc Dao) sinh ra và lớn lên ở vùng cao H.Bạch Thông (Bắc Kạn).
Anh Đại lấy chị Xuân khi mới 18 tuổi và cả hai chỉ tốt nghiệp THPT nên không có việc làm ổn định, đời sống kinh tế rất khó khăn. Để mưu sinh, hai vợ chồng anh quần quật lên rừng làm rẫy, trồng trọt, chăn nuôi, nhưng vẫn không đủ sống, nhất là sau khi có 2 đứa con.
"Vợ chồng tôi bàn nhau, hay về xuôi làm công nhân, nhưng như thế thì hai vợ chồng lại phải xa nhau, con cái cũng thiệt thòi, nên tôi động viên vợ cứ chăm chỉ làm nông dân, cùng nhau làm kinh tế trên quê hương rồi cũng sẽ thành công", anh Đại kể.
Tuy nhiên, lúc đó anh Đại chỉ nói "phóng đại" cho vợ yên tâm chứ cũng chưa tưởng tượng ra được, và cũng không ngờ giờ đây vợ chồng anh lại có doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.
"Cuộc sống của vợ chồng tôi thay đổi chỉ 2 năm trở lại đây khi tôi bén duyên với mạng xã hội. Khi xem TikTok, thấy có nhiều nội dung nói về cuộc sống ở mọi miền đất nước, tôi nảy ra ý tưởng chia sẻ về cuộc sống của người nông dân ở vùng núi. Tôi tự mày mò, học hỏi cách quay dựng để làm thành những video ngắn vui vui nói về chính cuộc sống và những công việc hằng ngày của mình. Có khi là quay cảnh đi bắt cá suối hay nướng củ khoai, củ sắn ăn bữa trưa trên rừng…", anh Đại kể.
Không ngờ, những video được anh đưa lên kênh "Đại Bắc Kạn" lại nhận được sự tương tác của nhiều người. Từ đó, anh mới có ý tưởng quảng bá nông sản, bán các sản vật của địa phương trên mạng. Tuy nhiên, lúc đầu thấy anh cứ đang làm lại giơ điện thoại lên quay quay, chụp chụp, lại còn nhìn vào đó nói chuyện, nhiều người bảo anh là hâm, dở.
"Thấy tôi quay cảnh nướng khoai ăn trưa trên rừng, có người còn nói là giả nghèo giả khổ, nhưng đó là cuộc sống thật của người nông dân. Cả ngày ở trên rừng thì trưa chỉ ăn cơm muối vừng mang theo hoặc khoai, sắn cho qua bữa rồi tối về mới tính. Ban đầu, tôi cũng ngại mọi người trong thôn chú ý, nên đã lên rừng và lán quay về rừng núi và các công việc lao động của mình, nhưng không ngờ các video bình dị đó lại được nhiều người đặc biệt yêu thích", anh Đại chia sẻ.
Sau nhiều video ngắn đơn giản về cuộc sống vùng cao, anh Đại trăn trở suy nghĩ về việc làm sao để có những nội dung mới. Vậy là anh vận động vợ tham gia để chia sẻ về cuộc sống gia đình. Ngoài nội dung hấp dẫn, vợ chồng anh Đại còn mang lại nhiều tiếng cười và giây phút thư giãn cho người xem qua những câu chuyện, hình ảnh hạnh phúc, đáng yêu. Có những video của anh đã đạt tới triệu view.
"Tôi muốn làm một nông dân tiến bộ"
Cơ hội làm giàu bắt đầu đến khi đầu năm 2022, anh thành lập HTX với định hướng thương mại là quảng bá và bán sản phẩm nông sản của địa phương như: măng khô, giảo cổ lam, miến, chè, chuối khô, dược liệu… HTX tạo việc làm cho 3 nhân lực với các công việc như: quản lý tin nhắn bình luận, bán hàng và quay phim. "Mấy anh em tôi nhìn đội hình chả ra gì vì suốt ngày ngồi uống nước chè với nhau, nhưng lại ra tiền", anh Đại bộc bạch.
Theo anh Đại, ở nông thôn, bà con làm ra nông sản nhưng có khi lại không tiêu thụ được và cứ được mùa là rớt giá. HTX mà anh gây dựng sẽ giúp bà con tiêu thụ nông sản, quảng bá các sản phẩm địa phương đến khắp nơi trên đất nước.
Đặc biệt, cuộc sống của anh đã thực sự thay đổi khi tháng 6.2022, anh được tham gia chương trình của T.Ư Đoàn phối hợp TikTok tập huấn cho thanh niên nông thôn bán hàng trên chợ phiên OCOP. Từ đó, anh được đi giao lưu, học hỏi và mở kênh bán các mặt hàng nông sản của địa phương trên nền tảng này, đã cho doanh thu lên tới 200 triệu đồng/tháng. "Nếu trừ hết chi phí, tôi cũng được lãi đến 100 triệu đồng, bằng cả năm thu nhập của một nông dân ở nông thôn", anh Đại cho biết.
Anh Đại cũng chia sẻ nhờ biết ứng dụng công nghệ, anh đã thay đổi cuộc đời mình. Vì thế, anh luôn muốn những người xung quanh nhìn thấy, học hỏi cách bán hàng mới để bán nông sản do chính mình và bà con nông dân quanh mình làm ra.
Không chỉ nỗ lực vươn lên, anh còn mua ô tô và sẵn sàng chở người dân nghèo khó đi viện miễn phí. Trên xe, anh thông báo cả số điện thoại của mình và đề nghị "nếu người dân cần thì cứ gọi…". Hiện anh Đại được mọi người yêu mến gọi với cái tên thân thương Đại Bắc Kạn và kênh video của anh có gần 400.000 người theo dõi.
Với những nỗ lực của mình, anh vừa được UBND tỉnh Bắc Kạn tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác chuyển đổi số năm 2023. Vợ chồng anh cũng được T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên VN xét chọn vinh danh Gia đình trẻ hạnh phúc năm 2023.